Các Giáo phụ Giám_mục

Vào đầu thế kỷ thứ nhất, hội thánh khởi sự kiện toàn hệ thống tổ chức. Theo các tác phẩm của các Giáo phụ, đặc biệt là Ignatius thành Antioch, vai trò của Giám mục ngày càng trở nên quan trọng.

  • "Vì vậy chúng ta phải xem các Giám mục như chính Chúa vậy" – Thư Ignatius gởi tín hữu ở Ephesus 6.1
  • "Do đó, như Chúa đã không làm được gì mà không có Cha Ngài, (vì Ngài với Cha Ngài là một), bởi chính Ngài hoặc bởi các Sứ đồ, chúng ta cũng không làm được gì mà không có Giám mục và các trưởng lão" – Thư Ignatius gởi Magnesians 7.1
  • "Hãy vâng phục Giám mục và vâng phục lẫn nhau, như Chúa Giê-xu Cơ Đốc vâng phục Cha [theo phần xác], như các Sứ đồ vâng phục Chúa Cơ Đốc và Chúa Cha, để chúng ta có thể hiệp nhất cả phần xác và tâm linh." Thư Ignatius gởi Magnesians 13.2

Trong giai đoạn này, tại mỗi trung tâm truyền giáo của hội thánh có một Giám mục lãnh đạo với sự hỗ trợ của một hội đồng trưởng lão (nay đã được xác định ở vị trí thấp hơn) và nhiều chấp sự. Khi hội thánh phát triển càng hơn, những nhà thờ mới tại các thành phố quan trọng bắt đầu có Giám mục cho riêng mình, trong khi những nhà thờ ở vùng phụ cận chỉ có các trưởng lão và các chấp sự được gởi đến từ nhà thờ của Giám mục. Như vậy, dần dà theo thời gian, chức vụ Giám mục thay đổi từ vai trò lãnh đạo một nhà thờ trở nên người lãnh đạo nhiều nhà thờ trong một khu vực địa lý.

Đến cuối thế kỷ thứ 2 và đầu thế kỷ thứ 3, Hippolytus thành La Mã miêu tả những đặc điểm khác của chức Giám mục, đó là "Spiritum primatus sacerdotii habere potestatem dimittere peccata": là chức sắc cao cấp với chức năng hiến tế và quyền tha tội.